Bảy triệu chứng báo động ung thư

Trong cuộc sống hàng ngày nếu thấy có sự thay đổi bất thường nào về sức khỏe dù nhỏ mà không rõ nguyên nhân, hoặc khi thây một triệu chứng rất thông thường nhưng dai dẵng và đôi khi không đau đớn gì cả nên đi khám bác sĩ để được tư vấn nên làm gì để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.
Có những bệnh triệu chứng rất rầm rộ như: Sốt “đùng đùng”, đau “lăn lộn”, ho “sặc sụa”… làm cho chúng ta hoảng sợ và đi khám bệnh ngay và khi chẩn đoán ra bệnh, điều trị đúng mức thì bệnh sẽ qua đi, yên tâm.

Còn bệnh ung thư thì ngược lại, là loại bệnh chẳng những “ác” mà còn “hiểm” nữa. Nó thực sự là căn bệnh “giết người” nhưng khởi đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, không rầm rộ… đến khi có những triệu chứng sụt cân, đau đớn, chảy máu… thì đã muộn rồi! Vì thế không phải vô cớ khi Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cảnh giác mọi người bằng cách phổ biến 7 triệu chứng báo động ung thư:

1. Thay đổi thói quen của ruột và bọng đái (bàng quang):

Ruột là cơ quan nằm sâu trong ổ bụng nên khó thăm khám và khó phát hiện bệnh lý. Ruột thường bị ung thư nhất là ruột già (đại tràng) và ruột cùng (trực tràng). Triệu chứng báo động: Rối loạn tiêu hóa, rối loạn thói quen đi cầu, táo bón, tiêu chảy, tiêu đàm máu… Đây là những triệu chứng mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm và nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chẩn đoán xác định hoặc loại trừ. Bàng quang cũng vậy, khi có rối loạn đi tiểu: tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt,… cũng cần phải phân biệt những bệnh lành hay ác tính của bàng quang hay tiền liệt tuyến.

Thay đổi thói quen của ruột

 

2. Một vết loét không lành:

“Không chịu lành” có nghĩa là một vết loét sau một thời gian điều trị tích cực bằng Tây y mà vết loét không đáp ứng với điều trị vẫn “trơ trơ” hay thậm chí còn tăng thêm. Ví dụ một vết loét ở da hay vùng niêm mạc của cơ thể như môi, niêm mạc má, ở lưỡi, ở da mặt… Nói chung một mụt, một nốt, một vết lở loét… đều phải cảnh giác.

vết loét bất thường

 

3. Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường:

Xuất huyết âm đạo bất thường: tức là xuất huyết âm đạo ngoài thời gian hành kinh, xuất huyết âm đạo sau giao hợp, xuất huyết âm đạo sau khi đã mãn kinh… phải thăm khám phụ khoa để loại trừ ung thư cổ tử cung và ung thư thân tử cung.

Đi cầu ra máu đôi khi kèm đàm nhớt… phải thăm khám trực tràng để phân biệt những bệnh lành tính như trĩ hay ung thư trực tràng.

Chảy máu răng, chảy máu ngoài da, dưới da… coi chừng những bệnh ác tính về máu.

Tiết dịch đầu vú: phải thăm khám tuyến vú, xét nghiệm tế bào học dịch đầu vú xem có tế bào ác tính không.

Chảy máu bất thường

 

4. Một chỗ dày lên, một cục u ở vú hay ở một chỗ nào khác trên cơ thể:

Cục u ở vú: triệu chứng đầu tiên của ung thư vú là “cục u ở vú” vì thế phụ nữ trên 30 tuổi tự phát hiện khối u bằng đầu ngón tay ở vú phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để khám xác định hoặc loại trừ ung thư vú và bác sĩ phải biết nghĩ đến ung thư vú cho đến khi có bằng chứng ngược lại.

Cục u ở vùng khác trên cơ thể: Đầu, cổ, lưng, thành bụng, tứ chi… thường là những bướu lành như bướu bã, bướu sợi, bướu mỡ, bướu thần kình… nhưng cũng phải cảnh giác với loại ung thư trung mô (sarcôm) tuy rằng rất hiếm.

Một loại cục khác là “cục hạch” thường ở cổ, ở nách, ở bẹn… phải phân biệt là hạch lành tính, hạch viêm, hạch lao, giang mai hay hạch ác tính nguyên phát (Ung thư hạch) hoặc hạch ác tính thứ phát (di căn từ cơ quan khác đến).

Khối u bất thường

 

5. Ăn không tiêu hoặc khó nuốt:

Thực quản và dạ dày được coi là ống tiêu hóa trên nên có 1 rối loạn bất thường nào dù nhỏ của nuốt thức ăn “nghẹn đặc, sặc lỏng” phải được nghĩ tới ung thư thực quản, phải được kiểm tra thực quảng bằng X- quang hoặc nội soi thực quản

Ăn không tiêu là triêu chứng của dạ dày (bao tử), không nên bỏ qua những triệu chứng thông thường như ăn không tiêu, đầy bụng, đau bao tử, đau âm ỉ vùng thượng vị nhất là những người có tiền căn nhiễm HP ở dạ dày, phải X-quang dạ dày có cản quang và soi dạ dày sinh thiết khi cần thiết.

Ăn không tiêu hay khó nuốt

 

6. Thay đổi rõ ràng tính chất của một nốt ruồi:

Đa số các nốt ruồi là lành tính, chỉ có một số ít là ác tính, phải chú ý đến các nốt ruồi ở những vị trí dễ đụng chạm, cọ xát nhiều như da đầu, vùng cằm, vùng mặt, vú, thắt lưng… nên mổ để lấy đi. Phải thực sự cảnh giác đối với nốt ruồi đột nhiên lớn nhanh, đau, ngứa, dễ chảy máu hay ứa dịch, nên đi khám tại bác sĩ chuyên khoa ngay. Sang thương ngoài da, nhất là trên mặt đầu tiên giống như một nốt ruồi nhưng đó lại là ung thư da dạng tế bào đáy.

  

Thay đổi tính chất nốt ruồi

 

7. Ho dai dẵng hoặc khàn tiếng:

Ung thư phổi là loại ung thư nhiều nhất ở nam giới và lại khó trị. Đa số triệu chứng đầu tiên là ho dai dẵng. Vậy phải cảnh giác với triệu chứng đó nhất là có kèm theo: ho có đàm, máu, ho không rõ nguyên nhân, ho dai dẵng trên người đàn ông trên 40 tuổi hút thuốc lá nhiều, ho dai dẵng đối với công nhân trong công việc có tiếp xúc với amiang, hắc ín, quặng mỏ, bụi gỗ… trong khi khàn tiếng là triệu chứng của ung thư thanh quản hoặc các bệnh lý gây kích thích làm tê liệt thay đổi giọng nói. Vì thế nên khi khàn tiếng kéo dài 2-3 tuần với điều trị nội khoa không khỏi nhất là có kèm theo: đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, khàn tiếng không rõ nguyên nhân… soi thanh quản và sinh thiết nếu cần thiết.

Qua trên ta thấy được rằng luôn luôn phải cảnh giác với các triệu chứng đó và khi có 1 trong các triệu chứng đó ta phải đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán bệnh. Xin được nhấn mạnh rằng khi có triệu chứng đó thì phải đi khám bệnh chứ không phải có triệu chứng đó là đã bị ung thư rồi và nếu chẳng may bị ung thư thì cũng được chẩn đoán sớm và điều trị có kết quả tốt hơn nhiều.

Ho dai dẵng, kéo dài

Chia sẻ:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Không có thư rác, chỉ thông báo về tin tức mới nhất.