Tư vấn chuyên môn bài viết BS.CKII NGUYỄN NGỌC THƯƠNG – Bệnh viện Đa khoa VẠN GIA AN tỉnh Kon Tum
Thoát vị thành bụng là bệnh phổ biến, với tỷ lệ 1,7% ở mọi lứa tuổi và 4% ở những người trên 45 tuổi. Thoát vị bẹn chiếm 75% các trường hợp thoát vị thành bụng, với nguy cơ suốt đời là 27% ở nam và 3% ở nữ. Mặc dù không phổ biến như các bệnh lý khác về tiêu hóa, song thoát vị bẹn lại gây ra nhiều vấn đề phức tạp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân ngại đi khám cho đến khi có biến chứng do bệnh ở vùng nhạy cảm.
Thoát vị bẹn nghẹt không những làm cho phẫu thuật khó khăn hơn, nguy cơ tái phát cao, mà bệnh nhân còn có nguy cơ tử vong do hoại tử tạng, nhiễm trùng nhiễm độc, do đó người dân không nên chủ quan, coi thường, BS.CKII Nguyễn Ngọc Thương – BVĐK Vạn Gia An khuyến cáo.
THOÁT VỊ BẸN LÀ GÌ?
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong ổ bụng rời khỏi vị trí của mình, thông qua một khu vực yếu kém của ống bẹn để xuống bìu. Đây là loại thoát vị thường gặp trong thoát vị thành bụng.
Các triệu chứng của thoát vị bẹn bao gồm:
- Phình một hoặc hai bên bẹn, có thể tăng nhiều khi ho, hoặc đứng lên và biến mất khi nằm xuống. Ở nam giới có thể thấy bìu bị sưng đỏ.
- Cảm giác khó chịu hoặc đau, đặc biệt là khi nâng vác vật nặng, tập thể dục. Cơn đau có thể được cải thiện khi nghỉ ngơi.
- Một cảm giác có khối đè nặng áp lực ở bẹn.
Nếu như không thể đặt khối phình trở lại vào bụng, có nghĩa khối thoát vị đã bị nghẹt, đòi hỏi phải phẫu thuật khẩn cấp. Bởi vì các tạng trong ổ bụng, chẳng hạn như ruột, có thể sa xuống và bị chèn ép trong khối thoát vị, gây tắc nghẽn. Việc cung cấp máu cho phần ruột bị kẹt ở khối thoát vị bị cản trở, gây thiếu máu cục bộ và có thể dẫn đến hoại tử, dẫn đến tử vong. Thời gian của các biến chứng xảy ra không thể dự đoán được.
Những người có nguy cơ mắc thoát vị bẹn là: Người cao tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu, những người hay làm việc nặng nhọc, người táo bón kéo dài do áp lực thường xuyên tại ổ bụng cao….Ngoài ra, những người mắc các bệnh như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc… có nguy cơ cao mắc thoát vị bẹn hơn những người bình thường.
Thoát vị bẹn nhìn từ bân ngoài và bên trong
ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN
Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh thoát vị bẹn. Đây là một phẫu thuật rất phổ biến và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh nếu được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao. Bác sĩ tại BVĐK Vạn Gia An có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi tùy vào từng tình huống cụ thể.
Mổ mở: Bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật rạch một đường lớn ở vùng bẹn để đưa các cơ quan trở về vị trí trong ổ bụng và gia cố thành bụng vùng bẹn bằng cân cơ hoặc lưới nhân tạo tùy tình huống. Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê.
Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ rạch một số đường nhỏ trên bụng để dùng một ống soi có camera ở đầu và các dụng cụ chuyên dụng để gia cố vùng bẹn. Phương pháp này được đánh giá cao hơn nhờ ưu điểm ít xâm lấn, sẹo nhỏ và mau phục hồi. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi phụ thuộc nhiều vào máy móc và tay nghề phẫu thuật viên, do đó, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện uy tín, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho quá trình phẫu thuật và hồi phục sau mổ.
PHÒNG NGỪA THOÁT VỊ BẸN
Với những đối tượng có yếu tố nguy cơ đã kể trên thì việc phòng ngừa thoát vị bẹn chủ yếu tập trung và việc hạn chế các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như:
- Có chế độ ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu, tránh gây táo bón mãn tính
- Không hút thuốc là để giảm nguy cơ ho mãn tính
- Hạn chế những công việc phải mang vác nặng
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát những bệnh lý có nguy cơ dẫn tới thoát vị bẹn.