Đau răng khiến bạn gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống: ăn uống khó khăn, khó chịu khi cười nói, phát âm, thậm chí khiến bạn mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, suy sụp tinh thần… Cách trị đau răng tốt nhất không phải là đối phó với cơn đau tạm thời bằng thuốc hoặc mẹo dân gian, mà là phải điều trị tận gốc các nguyên nhân gây ra đau răng.
1- ĐAU RĂNG DO SÂU RĂNG
Trên bề mặt răng nhìn thấy những lỗ sâu, mô răng bị đổi màu nâu hoặc đen. Có thể bị ê buốt, đau khi có các kích thích như nóng, lạnh, chua, ngọt.
Vết sâu càng tiến sâu vào trung tâm răng, tình trạng sâu răng càng nghiêm trọng
Đối với vết sâu phát hiện từ sớm, chưa đến tủy răng, thủ thuật trám răng đơn giản làm ngưng tiến trình sâu răng và cắt cơn đau nhức.
Nếu chỉ đối phó với cơn đau răng bằng cách uống thuốc giảm đau hoặc dùng mẹo, sâu răng sẽ ăn sâu vào tủy gây viêm tủy cấp kèm theo các cơn đau dữ dội, nhức buốt lên thái dương, làm bệnh nhân mất ăn, mất ngủ, bệnh nhân cần được chữa tủy răng, sau đó trám răng lại hoặc bọc răng sứ.
Nếu không được điều trị đúng cách, tủy răng bị viêm nhiễm lâu ngày có thể dẫn tới hoại tử tủy, gây biến chứng viêm quanh chóp răng, đau buốt, sưng nề phần lợi, má, góc hàm. Nếu vẫn không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan ra các mô xung quanh gây áp xe, gây nang quanh chóp, viêm xương tủy hàm. Đối với răng hàm trên chân răng sát xoang hàm có thể gây viêm xoang. Nguy hiểm nhất là khi mức độ nhiễm trùng lan rộng dẫn đến viêm tấy lan tỏa, nhiễm trùng máu hoặc lan xuống trung thất… gây nguy hiểm đến tính mạng.
2- ĐAU RĂNG DO BỆNH VIÊM NƯỚU, VIÊM NHA CHU
Một trong các nguyên nhân phổ biến gây đau răng là do bệnh nướu, nha chu. Các vi khuẩn tích tụ trong cao răng hình thành ở đường viền răng và nướu gây viêm nướu và viêm nha chu, do đó, cách trị đau răng hiệu quả trong trường hợp này là thực hiện cạo vôi răng để loại bỏ hoàn toàn ổ vi khuẩn gây bệnh.
Trường hợp bệnh nha chu tiến triển đã xuất hiện túi nha chu có mủ gây đau nhức răng, bác sĩ cần tiến hành nạo sạch túi nha chu, vệ sinh răng sạch sẽ bằng thiết bị chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nướu liền lại và bao bọc chân răng. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên có những trường hợp sau khi làm sạch túi nha chu, tình trạng viêm nha chu vẫn không thuyên giảm, có thể cần can thiệp phẫu thuật nha chu. Trường hợp bệnh nha chu tiến triển nặng, tình trạng tụt nướu, tiêu xương ổ răng, khiến răng lung lay, suy yếu trầm trọng, không thể giữ răng buộc phải nhổ bỏ răng.
3- ĐAU RĂNG DO RĂNG KHÔN
Do răng khôn mọc sau cùng khi mà xương hàm đã ngừng phát triển nên cung hàm của con người thường không có đủ chỗ để chúng mọc bình thường. Do đó, răng khôn trong quá trình mọc lên gây các biến chứng đau, sưng, u nang, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến các răng lân cận (sâu răng, viêm tủy, viêm nha chu,..) nên cần phải nhổ bỏ.
Thậm chí, nếu răng khôn chưa gây biến chứng nhưng phát hiện thấy răng khôn mọc lệch lạc, lợi trùm mặt nhai của răng, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh hoặc gây nhiều biến chứng thì cũng nên nhổ bỏ để ngăn ngừa biến chứng.
4- ĐAU RĂNG DO BỊ GÃY VỠ, SỨT MẺ, MÒN CỔ RĂNG
Khi bệnh nhân gặp tai nạn, ăn nhai thức ăn quá cứng khiến răng bị nứt vỡ, cần đến trung tâm nha khoa uy tín để chữa trị càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào mức độ thương tổn của răng mà bệnh nhân sẽ được chữa tủy và trám răng lại hoặc bọc răng sứ nếu răng bị vỡ nứt lớn.
Trường hợp miếng trám cũ trên răng bị mòn, nứt vỡ, sâu tái phát quanh miếng trám, có thể thay thế bằng miếng trám mới.
Trám cổ răng là cách điều trị ê buốt răng do mòn cổ răng phổ biến. Nếu răng bị mòn sâu đến tủy, việc chữa tủy là cần thiết trước khi thực hiện trám răng.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Gia An với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe răng miệng. Hãy đến với chúng tôi nếu bạn đang gặp các vấn đề trên.