Sau khi trải qua giai đoạn vượt cạn đầy khó khăn, người phụ nữ sau sinh cần quan tâm đến việc duy trì và ổn định sức khỏe. Nhằm giúp đỡ các sản phụ lần đầu làm mẹ giảm bớt căng thẳng, lo lắng, Bệnh viện Đa khoa Vạn Gia An sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc sau sinh an toàn và khoa học.
- Theo dõi sản dịch.
- Sản dịch sau sinh là hiện tượng mà bất kỳ mẹ nào cũng trải qua, dù bạn sinh thường hay sinh mổ. Ban đầu, đặc biệt là ngay sau sanh, sản dịch sẽ ra rất nhiều nên bạn cần phải dùng một miếng băng vệ sinh lớn, có độ thấm hút tốt để thấm hút, nên thay băng thường xuyên sau khoảng 4 tiếng/lần.
- Nếu sản dịch vẫn ra nhiều và đóng thành những cục lớn, bạn phải gọi nhân viên y tế hoặc đi tái khám ngay để đề phòng băng huyết sau sanh.
- Sản dịch có thể kéo dài đến 6 tuần rồi ngưng. Sau 3- 4 tuần thì bạn có thể có kinh nguyệt trở lại, máu ra như kinh nguyệt thường kỳ, cần chú ý dùng biện pháp tránh thai vì rất dễ có thai sớm sau sinh.
- Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn:
- Giữ vết khâu luôn sạch sẽ và khô ráo bằng cách rửa với nước ấm và nhẹ nhàng lau khô bằng khăn sạch. Vết khâu sẽ liền sẹo sau khoảng 7 ngày
- Chế độ nghỉ ngơi, thư giãn:
- Mẹ nên nằm ngửa duỗi thẳng chân để sản dịch được tống ra ngoài dễ dàng hơn. Sau sinh khoảng 6 giờ, mẹ nên ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng để tránh ứ sản dịch, nếu vẫn còn mệt mẹ nên nhờ người thân đỡ khi di chuyển.
- Mẹ cần được ngủ nhiều, việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu giúp các bà mẹ tái tạo năng lượng, sản xuất sữa tốt hơn và tránh được bệnh: stress, trầm cảm sau sinh.
- Để phòng tránh bệnh sa tử cung thường gặp ở phụ nữ sau sinh, Sản phụ không được làm việc nặng, không ngồi quá lâu và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Sau vài ngày chăm sóc bé chưa quen, phải thức dậy liên tục vào ban đêm, hay có rất nhiều việc xảy ra mà bản thân người mẹ chưa sẵn sàng chấp nhận; Kèm theo đó là sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến mẹ trở nên mệt mỏi, tính tình trở lên khó chịu, đôi lúc gắt gỏng vô cớ. Những lúc như vậy người mẹ nên chia sẻ, nói chuyện với chồng và người thân, không nên suy nghĩ nhiều tránh tình trạng trầm cảm sau sinh, đặc biệt là ngày thứ ba sau sinh.
- Chăm sóc bầu sữa mẹ:
- Ngay những giờ sau sinh đầu tiên, mẹ nên cho bé ti ngay sau khi lau sạch đầu vú, để kích thích tuyến sữa tiết sữa.
- Nếu việc tiết sữa bị tắc nên tích cực cho bé bú, triệu chứng đó sẽ dần dần mất đi.
- Tránh vắt, bóp sai cách gây vỡ tuyến sữa.
- Chế độ dinh dưỡng.
- Sau sinh mẹ thường bị mất máu, do đó không nên kiêng khem quá nhiều thức ăn, hãy ăn uống đủ nhóm chất để mẹ khỏe và có đủ sữa cho con bú.
- Nên chọn loại thức ăn có nhiều dinh dưỡng mà lại dễ tiêu hoá, không nên ăn quá mặn, tránh các gia vị có mùi nồng cay có thể ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ khiến trẻ không bú như hành, tỏi, tiêu, ớt…
- Ăn chín uống sôi, ăn đầy đủ các chất, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, uống 2-3 lít nước/ngày, để đảm bảo đủ sữa và tránh bị táo bón.
- Mẹ nên uống thêm thuốc Sắt, Canxi và các loại vitamin cần thiết theo tư vấn của Bác sĩ.
Lưu ý:
- Không sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, café, thuốc lá…
- Không nên ăn các loại hoa quả chua trong tháng đầu sau sinh.
- Vệ sinh cá nhân:
- Sau sinh sản dịch ra nhiều, cần vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Có thể dùng dung dịch vệ sinh sát khuẩn pha loãng để rửa. Sau khi rửa xong thì dùng khăn thấm cho khô.
- Trong quá trình sinh nở, cơ thể sản phụ tiết ra nhiều mồ hôi, nên cần phải tắm gội cho sạch sẽ. Tuy nhiên việc tắm gội cần diễn ra nhanh từ 5-10 phút, không nên tắm trong bồn, chậu (đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước). Phòng tắm phải kín gió và nên tắm bằng nước ấm dù thời tiết nóng hay lạnh.
- Cần thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc tái khám khi:
- Đau, sưng phồng hoặc tấy đỏ ở bắp chân (nghi ngờ thuyên tắc mạch máu)
- Đau tức ngực, khó thở (nghi ngờ thuyên tắc phổi)
- Máu chảy ồ ạt từ âm đạo, tụt huyết áp, mặt tím tái, tim đập nhanh (băng huyết sau sinh)
- Sốt>38 độ C, rét run, đái buốt, đau tức bụng (nhiễm trùng sau sinh)
- Đau đầu, choáng váng, nôn ói (tiền sản giật)
- Sản dịch ra quá ít, đau bụng nhiều, sản dịch có mùi hôi (bế sản dịch)
- Nếu sau khi đã hết sản dịch rồi đột ngột ra máu nhiều đỏ tươi (băng huyết sau sinh thứ phát)
- Vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ sưng tấy, chảy dịch, đau nhiều.
- Vú căng đau tức.
Niềm vui và hạnh phúc khi được làm mẹ sẽ giúp bạn vượt qua tất cả!
Khoa Phụ Sản của Bệnh viện Đa khoa Vạn Gia An sẽ luôn đồng hành, quan tâm, chăm sóc thật tốt cho mẹ và bé sau sinh. Chúng tôi luôn đặt sự an toàn của người bệnh lên trên hết và luôn hướng đến sự hài lòng của Quý khách hàng.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin hãy liên hệ với chúng tôi qua
Tel: 0260.388.9999 phím số 1
Zalo: 088 9993 699
————————————————
BỆNH VIỆN ĐA KHOA VẠN GIA AN
Địa chỉ: 407 Bà Triệu, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Tel: (0260) 388.9999
Hotline: (0260) 388.9999
Zalo: 0889.993.699
Facebook: https://www.facebook.com/vangiaanhospital Youtube:https://www.youtube.com/channel/UCRojrhBXITWB4HH6I0GSdWA
Website: http://www.vangiaan.vn/
Email: info@vangiaan.vn