CÁCH PHÂN BIỆT VÀNG DA SINH LÝ Ở TRẺ

 

Hơn 60% trẻ sơ sinh đủ tháng có hiện tượng vàng da
Hơn 90% trẻ sơ sinh non tháng bị vàng da
Hiện tượng vàng da sơ sinh có thể là sinh lý nhưng cũng có thể là bệnh lý. Vàng da sinh lý thường sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu bị vàng da bệnh lý sẽ rất nguy hiểm, do có thể gây vàng da nhân não, một bệnh lý gây tổn thương tế bào não không hồi phục, gây tử vong và tàn tật.
1. PHÂN BIỆT VÀNG DA SINH LÝ – BỆNH LÝ

VÀNG DA SINH LÝ

  • Thời gian mắc: xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
  • Thời gian lui bệnh: trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.
  • Mức độ: vàng da vùng mặt, cổ, ngực và bụng phía trên rốn.
  • Nguyên nhân: Do tăng Bilirubin – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Trẻ sơ sinh có lượng tế bào hồng cầu cao, tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu, gây nên vàng da. Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.

VÀNG DA BỆNH LÝ

  • Thời gian mắc: xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.
  • Thời gian lui bệnh: không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng
  • Mức độ: mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Kèm theo: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật
  • Nguyên nhân: bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO,Rh), bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng, xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm vius bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật).

2. DẤU HIỆU TRẺ CẦN ĐI KHÁM

  •  Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh.
  •  Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ thiếu tháng.
  • Trẻ bị vàng da kèm với các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu,…

Hàng ngày, các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt.

3. PHÒNG NGỪA VÀNG DA SƠ SINH

  • Chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.
  • Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.
  • Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ.

4. ĐIỀU TRỊ
Có 2 phương pháp để điều trị vàng da sơ sinh

  • Chiếu đèn: là phương pháp điều trị đơn giản, không xâm nhập, an toàn, hiệu quả cao và rất ít tác dụng phụ. Mục tiêu của phương pháp này là sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc, đào thải ra ngoài phân, nước tiểu. Khi chiếu đèn, trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.
  • Thay máu: là biện pháp được sử dụng khi trẻ vàng da ở mức độ nặng thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc có triệu chứng thần kinh đi kèm.
    Lưu ý: Phơi trẻ dưới ánh nắng vào buổi sáng không giúp điều trị vàng da bệnh lý

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Sđt: 0260.388.9999 Phím 3
Zalo: 0889.993.699

Chia sẻ:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Không có thư rác, chỉ thông báo về tin tức mới nhất.